Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long

13/04/2022 17:38

Tết Chôl Chnăm Thmây được xem là Tết lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực ĐBSCL, được diễn ra tại chùa với nhiều nghi thức tín ngưỡng Phật giáo.

Vui Xuân, đón Tết cổ truyền an toàn

Tháng 4 dương lịch hàng năm là thời điểm đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tất bật chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc.

Hòa chung không khí ấy, những năm qua, Đảng ủy – Lãnh đạo Công an tỉnh thường xuyên thành lập các đoàn đến thăm và chúc Tết Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, các vị chức sắc và Ban quản trị các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh.

Để người dân được đón Tết trong không khí vui tươi, an toàn, đầm ấm, Công an tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng tuyên truyền, vận động các vị chức sắc, chư tăng phát huy hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc; đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, Tp.Bạc Liêu chia sẻ: “Chùa đã thông báo với đồng bào, phật tử về việc sắp xếp, tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

Văn hoá - Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long

Công an tỉnh Bạc Liêu thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trao tặng quà cho bà con đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: Trọng Nguyễn).

Do dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, năm nay nhà chùa sẽ tổ chức lại các phần trò chơi dân gian, buôn bán, văn nghệ... Khi người dân đến thắp nhang, chùa sẽ bố trí hợp lý, không tập trung quá đông người dân trong cùng một thời điểm, đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong dịp Tết này”.

Ngoài việc đảm bảo an toàn, an ninh cho đồng bào dân tộc Khmer vui Xuân, đón Tết, các ngành, các cấp còn làm tốt phong trào an sinh xã hội, chăm lo đời sống người nghèo… mang lại nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần đưa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào dân tộc Khmer tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Trước đó, Ban Dân tộc và tôn giáo tỉnh Bạc Liêu đến thăm hỏi và trao tặng 30 suất quà cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo ở xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Mỗi suất quà trị giá 400.000 đồng, bao gồm 200.000 đồng tiền mặt và 20kg gạo đã được trao tận tay cho hộ nghèo người dân tộc Khmer với mong muốn các hộ dân được nhận quà lần này sẽ có điều kiện tốt hơn để vui Xuân, đón Tết.

Dàn nhạc Trống Lớn là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Năm nay, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vui hơn khi "Nghệ thuật Nhạc Trống Lớn" của họ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định số 786/QĐ-BVHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo các nghệ nhân thực hành di sản “Nghệ thuật nhạc trống lớn” tại địa phương, dàn nhạc trống lớn gồm 15 loại nhạc cụ sau: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (02 cái), T’ruô – U, T’ruô – Khse bây (T’ruô Khmer, T’ruô Nguôk), T’ruô – sô, Chapay-chomriêng, Pay Puốc, Pay – O, Khloy, Khưm, Chhưng, Tà Khê và Krap.

Do thiếu nghệ nhân, thiếu nhạc cụ, các nhóm nhạc hiện nay ở huyện Thới Bình thường biểu diễn chỉ có 9 nhạc cụ được sử dụng thường xuyên như: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (01 cái), T’ruô – U, T’ruô – SÔ, Chapay-Chomriêng, Pay Puốc, Khưm, Chhưng.

Văn hoá - Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long (Hình 2).

Các nghệ nhân biểu diễn dàn nhạc Trống Lớn tại chùa.

Thạc sỹ Thạch Nam Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, dàn nhạc trống lớn của dân tộc Khmer huyện Thới Bình được tuyển chọn tham gia diễn tấu trong ngày Hội Văn hóa, thể thao, du lịch của các tỉnh Khmer Nam Bộ; các ngôi chùa, Sa-la-tene, nhằm phục vụ trong ngày lễ hội, phong tục, nghi lễ, lễ cưới, lễ tang…

Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng thông tin thêm: “Dàn nhạc trống lớn đã ăn sâu vào lòng người và có vị trí quan trọng không thể thiếu được trong đời sống cộng đồng của người Khmer ở tỉnh Cà Mau. Âm nhạc Plêng Skor Thom không phải là âm nhạc để giải trí, mà là giai điệu mang tính linh thiên để giao tiếp với thần linh và các đấng siêu nhiên.

Do đó, người Khmer ở Cà Mau luôn quan niệm giai điệu của âm nhạc Plêng Skor Thom là hướng về tổ tiên, cội nguồn và lòng thành tâm đối với trời đất, thần thánh đã bảo vệ, gìn giữ cuộc sống yên bình, ấm no và hạnh phúc của họ".

Tâm Nguyễn
Bạn đang đọc bài viết "Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long" tại chuyên mục Văn hóa. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com