Đắk Lắk: Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng với kinh phí hơn 20 tỷ

14/03/2022 11:34

Tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2022-2025, với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Ngày 4/3, ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, tổ chức tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa cồng chiêng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương, ngày hội, hội thi, liên hoan ở địa phương, khu vực, toàn quốc và quốc tế góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.

Các huyện, thị xã, thành phố mỗi năm tổ chức phục dựng ít nhất 1 nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn gắn với hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng.

Bên cạnh đó, bảo tồn buôn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Theo đó, xây dựng mô hình điểm buôn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ trang thiết bị bên trong nhà văn hóa cộng đồng buôn đồng bào dân tộc thiểu số để duy trì sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, gắn với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng.

Cũng theo kế hoạch của UBND tỉnh Đắk Lắk, sẽ cấp chiêng và trang phục truyền thống cho đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu ở buôn đồng bào dân tộc thiểu số để duy trì tập luyện, tham gia sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.

Đồng thời, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của đội ngũ cán bộ làm văn hóa tại địa phương.

Văn hoá - Đắk Lắk: Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng với kinh phí hơn 20 tỷ

Cồng chiêng gắn liền với đời sống văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk.

Mặt khác, có chế độ thăm hỏi, động viên các nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và các nghệ nhân tiêu biểu khác vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, từng bước hệ thống hóa tư liệu văn hóa cồng chiêng và hình ảnh các bộ chiêng cổ trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng.

Tổ chức đưa di sản văn hóa cồng chiêng vào trường dân tộc nội trú và bán trú trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2022-2025 là 20,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 7,8 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 9,2 tỷ đồng và xã hội hóa 3,3 tỷ đồng.

UBND tỉnh Đắk Lắk giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trên và các nội dung đã cam kết trong hồ sơ trình Tổ chức UNESCO.

Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong kế hoạch, các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung trong kế hoạch dự toán ngân sách để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám sốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho hay: “Với những mục tiêu và giải pháp đề ra trong kế hoạch, chúng tôi hy vọng dịch Covid-19 sớm được khống chế, miễn dịch cộng đồng để các hoạt động lễ hội nói chung và các hoạt động liên quan đến bảo tồn văn hóa nói riêng sớm được quay trở lại”.

Theo báo cáo kết quả kiểm kê năm 2020, toàn tỉnh Đắk Lắk có 2.098 bộ chiêng. Trong đó, có 1.645 bộ chiêng Ê đê; 319 bộ chiêng M’nông; 118 bộ chiêng Jrai; 5 bộ chiêng Xê đăng; 4 bộ chiêng Mường; 3 bộ chiêng Vân Kiểu; 3 bộ chiêng Thái và 1 bộ chiêng Ba Na. Toàn tỉnh có 5.116 nghệ nhân đánh chiêng, 812 nghệ nhân dạy đánh cồng chiêng, 331 nghệ nhân chỉnh chiêng.

Khánh Ngọc
Bạn đang đọc bài viết "Đắk Lắk: Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng với kinh phí hơn 20 tỷ" tại chuyên mục Văn hóa. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com