Nhà viết kịch Lê Thế Song: "Không có nghề nào dễ dàng cả"

14/08/2022 19:21

Có thể nói, sau cây bút lão luyện Trần Đình Ngôn, hiện nay Lê Thế Song là tác giả "đắt giá" đối với sân khấu truyền thống, đặc biệt là sân khấu chèo...

Tác giả Lê Thế Song vốn là một nhà biên kịch có khả năng viết được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, kịch nói ... Chỉ trong vài năm trở lại đây, anh đã có 20 kịch bản được dàn dựng tại các nhà hát truyền thống của trung ương và các địa phương. Người trong nghề đánh giá, anh có biệt tài biến cốt truyện quen thuộc thành tác phẩm mới độc đáo, thậm chí ở các loại hình nghệ thuật khác biệt. 

Văn hoá - Nhà viết kịch Lê Thế Song: 'Không có nghề nào dễ dàng cả'

Nhà viết kịch Lê Thế Song và NSND Tự Long.

Chia sẻ với pv về nghề viết kịch bản truyền thống, anh cho hay: "Đúng là không có nghề nào dễ dàng cả, nhất là nghề biên kịch kịch hát dân tộc. Bản thân tôi thấy ngoài việc chăm chỉ học tập, phải yêu nghề, say đắm với kịch hát dân tộc như tôi yêu sân khấu chèo từ nhỏ thì mới theo nghề đến bây giờ.

Tôi sinh ra ở vùng đất Hà Nam - nơi có một chiếu chèo nổi tiếng đã đi vào dân gian với câu nói "Rượu Bèo, chèo Ngò", từ nhỏ tôi đã được nghe những làn điệu chèo nổi tiếng và tình yêu với những điệu hát dân ca đã đi vào tiềm thức của tôi, tôi yêu nghệ thuật lúc nào không biết. Rồi sau đó, tôi có cơ duyên sáng tác kịch bản chèo khi viết bài hát cho đội chèo của làng, xã… thông qua chương trình đưa nghệ thuật đến cộng đồng. Tại một dự án cho các tổ chức phi chính phủ, tôi và bà xã có nhiệm vụ là về các vùng quê, tìm kiếm các nhân tố tài năng, đào tạo họ thành những nồng cốt văn nghệ để phục vụ chính cộng đồng mình... Từ đó, công việc viết kịch bản chuyên nghiệp hơn và tôi đã trở thành một người viết thành thạo các kịch bản chèo".

Nhà viết kịch Lê Thế Song chia sẻ thêm, để trau dồi kiến thức, năm 2011 anh và bà xã Xuân Hồng quyết định theo học lớp Biên kịch Kịch hát dân tộc (K31 Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Đây là lớp học được hình thành sau 10 năm mới có 1 khóa đào tạo biên kịch Kịch hát Dân tộc tại Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh Hà Nội. Sau hơn 10 năm, chỉ có anh và bà xã là còn theo nghề. Anh bảo, đã yêu thì yêu "cho trót" để thế hệ nghệ sĩ trẻ có một nền tảng mà tiếp nối.

Văn hoá - Nhà viết kịch Lê Thế Song: 'Không có nghề nào dễ dàng cả' (Hình 2).

Nhà viết kịch Lê Thế Song và bà xã Xuân Hồng.

"Sau khi học Đại học, hai vợ chồng đã học lên Thạc sĩ, vì tôi cho rằng, ngoài đam mê, chúng tôi cũng cần có những kiến thức nền cơ bản về nghề sáng tác. Vì thế, tôi có thể viết kịch bản ở cả chèo, tuồng và cải lương… Nghề kịch hát dân tộc không kén người, nhưng cần những người có tình yêu mãnh liệt thì mới kiên trì theo đuổi được. Đến giờ phút này, tôi hạnh phúc vì mình đã đi đứng hướng, dù có chút khó khăn nhưng đã được thoả đam mê thời thanh xuân..." - Nhà viết kịch Lê Thế Song tâm sự.

Theo nhà viết kịch Lê Thế Song, tính đến nay anh đã viết được gần 100 kịch bản thuộc nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau (chèo, tuồng, cải lương), trong đó khoảng 45 kịch bản đã được các nhà hát và đoàn nghệ thuật dàn dựng thành tác phẩm sân khấu. Nhiều tác phẩm của anh khi được các đơn vị mang đi tham gia các Liên hoan hoặc Hội diễn về sân khấu chuyên nghiệp đều đoạt giải cao. 

Anh cho biết thêm: "Tôi may mắn khi được vợ luôn ủng hộ, người viết kịch luôn cần những tâm hồn đồng điệu ở bên hỗ trợ về tinh thần. Vợ tôi, Thạc sĩ Xuân Hồng - con gái của cố tác giả cải lương Hoàng Luyện (người được truy tặng Giải thưởng Nhà nước) là người thẩm định kịch bản đầu tiên của tôi và sẵn sàng góp ý, đóng góp và thậm chí tranh luận để tôi điều chỉnh và hoàn thiện tác phẩm. Có một người hiểu và chia sẻ các kịch bản nghệ thuật sân khấu, tôi thấy mình vững tin hơn về nghề đã chọn".

Văn hoá - Nhà viết kịch Lê Thế Song: 'Không có nghề nào dễ dàng cả' (Hình 3).
Văn hoá - Nhà viết kịch Lê Thế Song: 'Không có nghề nào dễ dàng cả' (Hình 4).

Một số cảnh trong vở Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm.

Mới đây, kịch bản chèo Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (kịch bản gốc: cố tác giả Hoàng Luyện; Đạo diễn: NSND Lê Hùng) đã được Nhà hát Chèo Thái Bình dựng, vở diễn sẽ được mang đi tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 diễn ra tháng 9 tới.

Vở diễn ca ngợi một người anh hùng quê hương Năm tấn với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Văn Bằng, NSƯT Ánh Điện, NSƯT Thúy Hà, Mạnh Khởi...

Nhà viết kịch Lê Thế Song cho biết, khi nhận được đề nghị viết kịch bản chèo về Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm anh đã mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm những câu chuyện liên quan tới ông. "Ông thọ ngoài 50 tuổi nhưng chỉ có khoảng hơn 10 năm sống ở quê hương, trong đó phần lớn thời gian rơi vào lúc còn nhỏ nên tư liệu lịch sử về ông không nhiều. May mắn là khi tìm kiếm từ di sản nghệ thuật của bố vợ (cố tác giả Hoàng Luyện) để lại, tôi tìm thấy kịch bản văn học kịch về nhân vật Kỳ Đồng được sáng tác từ năm 1995.

Trên cơ sở này, tôi đã chuyển thể thành kịch bản chèo, đắp thêm một số chi tiết trên cơ sở bám theo những cứ liệu lịch sử để tạo nên những lớp kịch sinh động, từ đó nhấn mạnh thông điệp: Dù vận hội không thành, mưu tính khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp bị ngăn chặn, nhưng tinh thần yêu nước của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh và ý chí quật cường chống ngoại xâm của người dân trong nước", Thạc sĩ Lê Thế Song chia sẻ.

Anh cho biết thêm, ngoài kịch bản sân khấu, anh còn sáng tác nhạc: "Tôi cũng từng sáng tác các bài hát ngợi công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Đây là những bài hát do tôi tự soạn lời mới theo các làn điệu, do đó tác phẩm dễ nghe và cũng thời sự hơn".

Nhà viết kịch Lê Thế Song bộc bạch: "Nghệ thuật truyền thống đang bị các thiết bị công nghệ của thời 4.0 lấn át, vì thế không còn nhiều người mặn mà với nghệ thuật chèo, tuồng, cái lương... Để giữ vững niềm tin về nghệ thuật, các nhà hát và các đoàn nghệ thuật cũng nên tính tới cách làm online, xây dựng các trích đoạn hấp dẫn giới thiệu trên các kênh YouTube, Zalo, Facebook… để tiếp cận khán giả. Kịch bản hay, cách thể hiện mới thì khán giả sẽ thấy hấp dẫn mà yêu sân khấu".

Kỳ Đồng (Em bé kỳ tài - PV) Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929) sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng (nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), cậu bé Nguyễn Văn Cẩm sớm bộc lộ tư chất đặc biệt thông minh với tài sáng tác thơ phú, làm câu đối ứng khẩu, bắt bệnh cứu người… Năm 8 tuổi, Nguyễn Văn Cẩm được cha cho dự kỳ thi khảo khóa chuẩn bị cho kỳ thi hương sau đó tại trường Nam Định và đoạt loại ưu, được Vua Tự Đức ban chỉ dụ khen thưởng, cấp tiền gạo ăn học. 

Cậu được người dân hết lòng ngợi ca, ngưỡng vọng. Lo ngại trước ảnh hưởng của Kỳ Đồng và muốn nuôi âm mưu dùng người Nam để trị người Nam, thực dân Pháp đã đưa Kỳ Đồng (khi đó mới 12 tuổi) đi du học tại Thủ đô An-giê của An-giê-ri thuộc Pháp. 

Sau khi lớn, ông âm thầm chiêu mộ nhân công, mở mang đồn điền, chuẩn bị vũ khí, lực lượng để chống Pháp. Sau khi phát hiện điều này, người Pháp đã lưu đày ông ở một quần đảo xa xôi. Chỉ sau 2 năm về nước, ông tiếp tục phải li hương và không thể trở về đất mẹ.

 

Lạc Thành
Bạn đang đọc bài viết "Nhà viết kịch Lê Thế Song: "Không có nghề nào dễ dàng cả"" tại chuyên mục Văn hóa. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com