Tp.HCM: Tham mưu nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu

28/10/2022 14:21

Ngày 27/10, tại họp báo thường kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM, đại diện Sở Công Thương đã trình bày về tình trạng thiếu cục bộ xăng dầu vẫn diễn ra trên địa bàn Tp.HCM những ngày qua.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, trên địa bàn hiện có 3/550 cửa hàng xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động để sửa chữa và một cửa hàng ngưng kinh doanh.

Bên cạnh đó, từ đầu tháng 10 đến nay, đặc biệt trong các ngày 23-27/10 trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 9-10% số cửa hàng xuất hiện tình trạng cung cấp gián đoạn do tạm hết các mặt hàng xăng hoặc dầu.

Lý giải về thực trạng này, lãnh đạo Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, qua kiểm tra của Sở và phản ánh của các cửa hàng, một số doanh nghiệp đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng xăng dầu hoặc cung cấp thiếu hụt ở một số thời điểm.

Phản hồi của Sở nêu tên cụ thể một số đơn vị như: Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty CP thương mại và dịch vụ Cần Giờ, Công ty TNHH Dương Đông - Bình Thuận, Công ty TNHH MTV Kho vận xăng dầu Tây Nam, Công ty TNHH Hóa dầu Bình Triệu, Công ty CP Vật liệu xây dựng và Chất đốt Đồng Nai, Công ty CP TM và DV Cần Giờ, Công ty TM XNK Thanh Lễ, Công ty CP xăng dầu Petro Bình Phước...

Đặc biệt, tại các quận, huyện vùng ven, đa phần là cây xăng thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không kinh doanh theo chuỗi, kênh bán lẻ, dẫn đến quy mô, năng lực bồn chứa, bể chứa, trang thiết bị còn hạn chế.

Do đó, trong điều kiện nguồn cung xăng dầu còn khó khăn, có những thời điểm chưa thể tiếp hàng kịp thời đến cửa hàng để phục vụ nhu cầu của người dân tại các khu vực này.

"Chúng tôi cũng đã làm việc rất nhiều lần với các đơn vị đầu mối và các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố và thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ như đề nghị các hệ thống có quy mô lớn, có năng lực cung ứng dồi dào kéo dài thời gian hoạt động, chia sẻ với những hệ thống nhỏ lẻ còn bị hạn chế về năng lực cung ứng", bà Nguyễn Thị Kim Ngọc chia sẻ.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM: Tham mưu nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM tại họp báo.

Sở Công Thương Tp.HCM sẽ tiếp tục làm việc cụ thể với các đơn vị cung ứng lớn như Petrolimex, Saigon Petro, PVOil để đề nghị các phương án bổ sung nguồn cung.

Đồng thời, Sở sẽ rà soát và đề nghị các đầu mối có lượng hàng lớn phân bổ hợp lý cho hệ thống bán lẻ, cũng như kết nối doanh nghiệp bán lẻ với các doanh nghiệp đầu mối khác.

Theo thống kê của Sở Công Thương Tp.HCM, tính đến ngày 25/10, trên địa bàn Tp.HCM có 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 29 đại lý bán lẻ và 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn Thành phố này khoảng 6.880 m3/ngày (tương đương 206.404 m3/tháng); riêng xăng các loại là 5.719 m3/ngày (tương đương 171.574 m3/tháng).

Trong đó, xăng A95 là 3.660 m3/ngày (tương đương 109.804 m3/tháng) và xăng E5 là 2.059 m3/ngày (tương đương 61.770 m3/tháng), dầu các loại là 1.161 m3/ngày (tương đương 34.830 m3/tháng).

Sở Công Thương Tp.HCM cũng cho biết, cao điểm trong ngày 11/10/2022 có 137/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng. Còn tính đến 15h ngày 25/10, trên địa bàn Tp.HCM có 49/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng.

xang-dau-1666881350.JPG
 

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Tp.HCM, hiện nay, mức chiết khấu xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ khó để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do giá cả thường xuyên biến động nên tại một số thời điểm, doanh nghiệp hiện phải nhập hàng với giá bằng giá bán lẻ (có thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng, hoặc âm), trong khi phải trả đủ các chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên...

Điều này đã gây áp lực đối với quá trình duy trì hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi có tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến các thương nhân phân phối xăng dầu và hệ thống đại lý bán lẻ.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới cùng với mức chênh lệch chi phí nhập khẩu thực tế so với mua từ nhà máy trong nước khá cao, từ đó các thương nhân đầu mối hạn chế nhập khẩu, tập trung mua hàng từ nhà máy trong nước, dẫn đến việc thương nhân đầu mối hạn chế cung cấp cho các thương nhân phân phối (cung cấp theo định mức).

Đồng thời, chiết khấu cho các thương nhân phân phối giảm nên cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và việc cung cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ có lúc bị gián đoạn.

Ngoài ra, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng như: phí vận tải, phí vận chuyển, các chi phí cấu thành giá cơ sở. Để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các chi phí.

Trong đó có mức chiết khấu cho các doanh nghiệp phân phối), kéo theo doanh nghiệp phân phối cắt giảm mức chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu…

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Sở Công Thương Tp.HCM đang tham mưu để UBND Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ kịp thời đế đảm bảo duy trì việc cung ứng xăng dầu thường xuyên, liên tục.

Cụ thể là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan quan tâm, kịp thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Bộ Công Thương có giải pháp nhằm đảm bảo tính trách nhiệm về nguồn cung của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối; thực hiện dự trữ tối thiểu bắt buộc theo quy định và chủ động tìm kiếm nguồn hàng phù hợp.

Tp.HCM cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, rà soát và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu (nhất là mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam) nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.

Đồng thời, góp phần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng cường nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất mức chiết khấu tối thiểu đối với các doanh nghiệp bán lẻ để doanh nghiệp có thể duy trì được hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu.

Giải pháp nữa là rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu; cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn; gia tăng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh xăng dầu…

Thanh Huyên
Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM: Tham mưu nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com