Tp.HCM: Khi nào trạm y tế hết cảnh thiếu thuốc để giảm tải bệnh viện?

25/09/2022 14:50

Mở rộng danh mục đấu thầu thuốc cấp địa phương là giải phăp căn cơ mà ngành y tế Tp.HCM đề xuất để đảm bảo hoạt động y tế cơ sở.

Thiếu nhiều loại thuốc cần thiết

Ghi nhận của PV tại Trạm Y tế phường 4, quận 10, Tp.HCM cho thấy, nơi đây quản lý hàng nghìn người dân trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, Trạm Y tế phường 4 đã từng triển khai khám bảo hiểm y tế cho người dân, nhưng vì tủ thuốc ngày càng nghèo nàn cộng với cơ sở vật chất và nhân lực không đảm bảo, dần dần số lượng bệnh nhân đến khám ngày càng ít.

Dược sĩ Lê Minh Nguyệt, Trạm Y tế phường 4, quận 10, Tp.HCM cho biết, trạm y tế chủ động đề xuất danh mục thuốc cần nhận, nguồn thuốc của trạm thông thường được Bệnh viện Quận 10 phân bổ xuống các phường.

Tuy nhiên, thay vì trước kia đề xuất 10 loại thuốc sẽ được duyệt hết hoặc thiếu 1-2 loại, nay 10 loại thuốc chỉ được cấp khoảng 1-2 loại mà lý do được bệnh viện đưa ra là chưa đấu thầu được thuốc. 

“Nhiều người dân đến khám tại Trạm Y tế, họ yêu cầu được cấp những loại thuốc có kê toa ở các bệnh viện khám trước đó, nếu Trạm Y tế không có thuốc đó mà đề xuất thay thế loại thuốc khác vào nhiều người không đồng ý, dẫn đến việc người dân không mặn mà với khám bệnh ở y tế cơ sở”, bà Nguyệt chỉ ra.

tram-y-te-1664088649.jpg
 

Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Trạm Y tế phường 4, quận 10, mà tại Trạm y tế phường 15, quận Phú Nhuận, Tp.HCM cũng chung cảnh. Sau khi Trạm Y tế phường 15 chuyển về cơ sở mới, dù phòng ốc có khang trang và rộng rãi hơn nhưng tủ thuốc vẫn trong cảnh thiếu trước hụt sau.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng trạm y tế phường 15, quận Phú Nhuận, Tp.HCM cho biết, hiện nay nguồn thuốc ở trạm thiếu nhiều loại, đang cố gắng đề xuất bổ sung vào tủ thuốc của Trạm y tế để người dân yên tâm đến khám.

Thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế là tình trạng đang tồn tại trong cả hệ thống trạm y tế trên cả nước nói chung và Tp.HCM nói riêng.

Tại Tp.HCM hiện nay, mạng lưới 312 trạm y tế trên địa bàn danh mục thuốc bảo hiểm y tế chưa có thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây (huyết áp, tiểu đường…) nên đang gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh.

Lựa chọn bệnh viện “chỉ huy” đấu thầu thuốc

Trao đổi với PV, PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, vấn đề trạm y tế bị “co hẹp danh mục thuốc” là bất cập đang tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh cho cộng đồng. Nếu không sớm được giải quyết, tình trạng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây sẽ tiếp tục lên tuyến quận, huyện hoặc tuyến thành phố điều trị sẽ gây áp lực quá tải kéo dài.

Đối với các trường hợp điều trị cấp, sau khi bệnh nhân ổn định sức khỏe, bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên có thể chỉ định tiếp tục điều trị lâu dài tại trạm y tế gần nhà nhất. Điều này vừa thuận lợi cho bệnh nhân, vừa giảm áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có bệnh viện tuyến trên (tuyến quận/huyện, tuyến thành phố) mới có thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây. Do đó, cả bệnh nhân cần điều trị cấp lẫn điều trị lâu dài về bệnh mạn tính không lây đều phải tìm đến bệnh viện.

Ngày 23/9, đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho biết, đơn vị vừa có tờ trình gửi UBND Tp.HCM về việc mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương; trong đó, kiến nghị mở rộng thêm 308 loại thuốc cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế.

Hầu hết thuốc sử dụng tại trạm y tế do trung tâm y tế hoặc bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thực hiện đấu thầu mua sắm đối với 324 hoạt chất được Bộ Y tế quy định thuộc danh mục thuốc được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế.

Nhưng do nhân lực của trung tâm y tế thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc vừa thiếu về số lượng lại vừa thiếu tính chuyên nghiệp; đồng thời do nhu cầu sử dụng thuốc của từng trung tâm y tế rất thấp nên có ít nhà thầu tham gia cung ứng.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc theo phân tuyến kỹ thuật được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị các bệnh không lây nhiễm. Hiện mới chỉ có 324 loại thuốc được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế; trong đó, danh mục thuốc cho các bệnh mạn tính không lây có khoảng 50 loại.

So với danh mục thuốc tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế đang thiếu nhiều loại thuốc; trong đó, có 41 loại thuốc được Hội đồng chuyên môn Sở Y tế đánh giá là rất cần thiết.

Sở Y tế Tp.HCM kiến nghị UBND Tp.HCM giao Bệnh viện Hùng Vương thực hiện gói đấu thầu tập trung cấp địa phương mở rộng, dự kiến triển khai vào quý I/2023. Trước đó, bệnh viện này cũng được UBND Tp.HCM chọn thực hiện nhiệm vụ làm đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương cho 129 loại thuốc.

Hương Giang
Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM: Khi nào trạm y tế hết cảnh thiếu thuốc để giảm tải bệnh viện?" tại chuyên mục Y tế. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com