Biểu hiện nghi ngờ mắc cúm A/H5N1 ở người và cách phòng chống

30/10/2022 09:13

Sau trường hợp bé gái 5 tuổi nhiễm cúm gia cầm A/H5 ở Phú Thọ, nhiều người lo lắng không biết khi mắc căn bệnh này thì có biểu hiện thế nào?. Bài viết dưới đây giúp độc giả hiểu rõ về tình trạng cúm A/H5N1 ở người và cách phòng chống.

bieu-hien-nghi-ngo-mac-cum-a-h5n1-o-nguoi-va-cach-phong-chong-1666595440.png
 

1. Nhiễm cúm A/H5N1 có nguy hiểm không?

Cúm gia cầm A/H5N1 là bệnh cúm do virus cúm A/H5N1 gây ra cho các loài chim, động vật có vú và con người. H5N1 là loại virus có khả năng tự biến đổi hoặc tái tổ hợp rất cao và loại virus này có thể tạo ra biến đổi gen lây từ người sang người.

Các nghiên cứu cho thấy, virus H5N1 có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có thể tạo ra đại dịch cúm cho người với tỷ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong là rất lớn.

Như vậy, có thể nói virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người. Theo nghiên cứu có khoảng 50-60% trường hợp mắc có biến chứng nặng và tử vong. Do vậy, nếu ở vùng có yếu tố dịch tễ mà có biểu hiện nghi ngờ như: sốt, viêm long đường hô hấp cần đến cơ sở y tế để được xét nghiệm khẳng định và điều trị phù hợp.

Virus cúm A/H5N1 có thể lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này này sang trại chăn nuôi khác qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép... Virus cúm có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất. Nếu tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính sẽ bị nhiễm bệnh.

Các nghiên cứu còn cho thấy, virus cúm có thể lây truyền qua không khí thông qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm hoặc qua nước, thực phẩm nhiễm virus. Ngoài ra, lây nhiễm virus còn qua tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm virus.

Đối với người thì có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

Cúm A/H5N1 có thể lây cho mọi đối tượng, tuy nhiên lứa tuổi thanh niên có tỉ lệ mắc và tử vong cao hơn, đặc biệt cúm A/H5N1 dễ gây biến chứng ở người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính như bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh hen suyễn…

2. Nhận biết cúm A/H5N1 ở người

Khi nhiễm cúm A/H5N1 ở người các biểu hiện thường giống như cúm mùa thông thường. Các dấu hiệu sớm của cúm A/H5N1 ở người thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm.

Người bệnh có các biểu hiện sốt cao đột ngột có thể trên 38 độ C, đau ngực, khó thở… kèm theo đó người bệnh có biểu hiện đau họng, ho khan, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời.

Bệnh cúm A/H5N1 ở người diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Ở một vài trường hợp có thể xuất hiện triệu chứng viêm kết mạc. Tùy vào từng thể trạng khác nhau ở mỗi người, giai đoạn bệnh mà các triệu chứng sẽ khác nhau.

Sức khỏe - Biểu hiện nghi ngờ mắc cúm A/H5N1 ở người và cách phòng chống

Cúm A/H5N1 lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1.

3. Làm gì để phòng bệnh cúm A/H5N1 ở người?

Do chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu khi nhiễm cúm A/H5N1 ở người, vì vậy để chủ động phòng chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tuyệt đối không ăn, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Cần đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Tuyệt đối không được ăn tiết canh.

- Không được vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Nếu phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, đặc biệt gia cầm, thủy cầm mắc bệnh. Nếu cần thiết tiếp xúc với người bệnh, gia cầm, thủy cầm mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, mặc quần áo bảo hộ, ủng, găng tay. Rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc.

Cần lưu ý người mắc bệnh mạn tính, trẻ em là những người có nguy cơ mắc cúm cao, không nên tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời tiết chuyển lạnh cần ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng giúp phòng bệnh. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

 

Theo Sức khỏe & Đời sống

 

Bạn đang đọc bài viết "Biểu hiện nghi ngờ mắc cúm A/H5N1 ở người và cách phòng chống" tại chuyên mục Y tế. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com