Bác Hồ với văn nghệ sĩ

19/05/2022 14:56

Dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian vun xới cho nền văn nghệ mới của dân tộc. Bác trân trọng từng lời ca, giọng hát, Bác chú ý đến từng câu văn, vần thơ, nét vẽ, từng động tác múa, đến từng bức ảnh, từng cảnh phim… Đặc biệt, Bác quan tâm đến sự tiến bộ và sức khỏe của văn nghệ sĩ.

xbnk3a8q-1652922308.jpeg Bác hộ trò chuyện thân mật với họa sỹ Nguyễn Phan Chánh

Và bao giờ cũng vậy, Bác ân cần dạy bảo anh chị em làm công tác văn học nghệ thuật một cách thân mật và dịu dàng của một người cha yêu con, người ông yêu cháu. Bác yêu thương văn nghệ sĩ đến mức không muốn cho anh chị em buồn vì sai sót của họ. Một đạo diễn phim nọ được Bác hỏi:

- Chú có hiểu phim Bình minh trên rẻo cao không? Bình minh là gì? Sao không gọi là sáng sớm! Nhiều chỗ Bác không hiểu, thì chắc đồng bào cũng không hiểu.

Bác dặn:

- Làm văn nghệ là phải chú ý đến đối tượng phục vụ là nhân dân. Viết và nói phải để cho dân hiểu.

Trước khi ra về, Bác còn dặn dò vị đạo diễn:

- Chú là cán bộ lãnh đạo, Bác nói với chú, nếu chú đồng ý, khi về cơ quan nói lại thì nói đó là ý kiến của chú, đừng nói là Bác nhận xét mà làm các chú làm phim buồn.

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác tâm sự: Trong những ngày Bác mệt, sức khỏe giảm sút nhiều, Người không xuống cơ sở được, Người đọc nhiều hơn, xem nhiều hơn và nghe nhiều hơn trước. Bộ phim cuối cùng được Bác xem là phim tài liệu Đường về phía trước của xưởng phim Giải phóng. Bác đặc biệt rất quan tâm đến các bộ phim về đề tài miền Nam như: Bài ca anh Giải phóng dựa vào ý thơ của Tố Hữu. Bác đề nghị chiếu cho Bác xem. Nhưng đáng tiếc bộ phim chưa làm xong. Buồn thay, buổi ra mắt bộ phim ấy, thì Bác của chúng ta đã đi xa!

Nhiều văn nghệ sĩ được vinh dự gặp Bác, dẫu chỉ trong giây phút ngắn ngủi, được trò chuyện bên Người, nhưng đã trở thành ký ức khó quên, tạc sâu vào trái tim người nghệ sĩ. Và tình cảm đó đã ẩn hiện trong những bài viết, câu thơ, từng câu chuyện về nhân cách cao đẹp vĩ đại của Bác. Hình ảnh Bác đã tạc vào bóng dáng của nhân dân một cách thân tình, gần gũi. Nhà thơ Tố Hữu tâm sự: Bác cùng mọi người, nhưng Bác cũng khác mọi người  nhiều lắm. Chính vì lẽ đó mà viết về Bác có cái khó của nó. Ngoài cái khó chung của quy luật sáng tạo... bởi viết về Bác là cả một quá trình. Nhiều người cho rằng, ngoài nhà văn thương binh Sơn Tùng, thì nhà thơ Tố Hữu là người viết về Bác với tất cả sự say mê, tôn thờ. Đọc sáng tác của nhà thơ viết về Bác từ bài thơ đầu tiên Hồ Chí Minh đến trường ca Theo chân Bác, bạn đọc có thể cảm nhận được tấm lòng của người nghệ sĩ lắng sâu trong từng ngôn từ, hình ảnh thơ. Điều kỳ lạ, khi Tố Hữu đặt bút viết bài Hồ Chí Minh, nhà thơ chưa một lần gặp Bác, thậm chí còn chưa nhìn thấy ảnh Bác.

4xwj3xtk-1652922304.jpeg  

Nói về tình cảm Bác dành cho văn nghệ sĩ, sẽ là một thiếu sót lớn, nếu không nhắc đến những kỷ niệm sâu sắc của Bác với văn nghệ sĩ miền Nam. Đó là tình cảm sâu nặng, ấm áp, trìu mến như tấm lòng người cha  luôn bao dung trước đứa con  ruột thịt của mình, đúng như lời thơ da diết của Tố Hữu:

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà, 

Miền Nam nhớ Bác, nỗi mong cha”

Tình cảm thắm thiết ấy thể hiện khi Bác đến xem triển lãm ký họa của họa sĩ miền Nam gửi ra. Bác xem rất kỹ từng ký họa. Bác hỏi tỉ mỉ cuộc sống, và cách làm việc của  từng họa sĩ. Xem xong, Bác còn dặn dò: phải bảo quản, giữ gìn tranh cho thật tốt... Bác còn dặn thêm: “Các chú nhớ cho in ra nhiều bản, cho đồng bào ở ngoài này được xem, chứ triển lãm như thế này thì có mấy người được xem”.

Dù bận nhiều công việc, Bác vẫn sẵn lòng đến dự đêm biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc miền Nam trước khi lên đường vào Trường Sơn phục vụ bộ đội Đoàn 559. Bác cầm từng bông hoa tặng cho từng diễn viên. Bác chúc Đoàn lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bác đánh giá rất cao vai trò của văn nghệ sĩ. Theo Bác, trên mặt trận này, những người làm công tác văn học nghệ thuật phải thấm nhuần quan điểm văn học nghệ thuật là vũ khí, người nghệ sĩ là chiến sĩ . Muốn văn học nghệ thuật trở thành vũ khí và người nghệ sĩ đồng thời là chiến sĩ, thì người nghệ sĩ phải đi thực tế, thực hiện ba cùng.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn học Nghệ thuật 1958, Người căn dặn: “Cơ quan  Bộ Văn hóa, các Ty Văn hóa cần phải xuống nông thôn, vào nhà máy, vào bộ đội  nhiều hơn nữa, mà đi vào như thế thì phải cùng làm, cùng ăn, cùng ở  với nhân dân. Nếu đi xuống nông thôn mà lại lao động phất phơ, ở riêng thì cảm thông sao được với công nông, bộ đội”.

Học tập và làm theo lời Bác, nhiều văn nghệ sĩ hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, dùng ngòi bút của mình phục vụ cách mạng một cách tận tụy hết mình. Nhiều nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong kháng chiến chống Pháp đã lăn lộn trên các chiến trường, tham gia các chiến dịch; Thu Đông, Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ... Trong đó có nhiều người đã hy sinh anh dũng như nhà văn – chiến sĩ Nam Cao, Trần Mai Ninh... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hàng trăm văn nghệ sĩ đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đến với chiến trường lớn và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước như nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, nhiếp ảnh gia Trần Bỉnh Khuôl... Trong số họ có nhiều người đã ngã xuống.

sicilr7g-1652922363.jpeg Bác Hồ với nghệ sĩ nhiếp ảnh 

Năm 1951, nhân triển lãm hội họa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư thăm hỏi anh chị em họa sĩ và văn nghệ sĩ nói chung. Trong thư Người viết: “Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Chiến sĩ văn học nghệ thuật có nhiệm vụ phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh... Chiến sĩ văn học nghệ thuật cần có lập trường  tư tưởng đúng... Về sáng tác cần hiểu thấu liên hệ và đi sâu vào đời sống nhân dân... Muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi thì anh chị em cần phải dùng phương pháp  tự phê bình và phê bình. Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa văn học nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm, văn học nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế, chính trị ”.

Đáp lại tình cảm của Bác, văn nghệ sĩ đã dành cho Bác những tình cảm hết sức sâu đậm. Họa sĩ Diệp Minh Châu, người chưa từng gặp Bác, nhưng đã dùng máu của mình vẽ bức chân dung Người. Họa sĩ - chiến sĩ Lê Duy Ứng, bị thương ở mắt. Đôi mắt mù, đã lấy máu mắt minh họa chân dung Bác. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, người 17 năm chuyên chụp ảnh Bác, kể về lần đầu tiên gặp Bác năm 1948. Bác dặn dò: “Chú làm nghề ảnh, cũng là một loại hình nghệ thuật như các nghệ thuật khác, cũng phải phản ánh chân thật cuộc sống của quân dân ta. Muốn làm được như vậy phải đi vào đời sống của các tầng lớp nhân dân”. Nghệ sĩ Đinh Đăng Định còn cho biết, dù bận việc nước, Bác vẫn quan tâm đến nhiếp ảnh. Bác không chỉ coi nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật, Bác còn am hiểu về công việc này. Người dạy: “Chụp ảnh phải làm sao cho tự nhiên, phải chớp được cái “thần” bản chất của con người”. Năm 1963, Bác đi xem triển lãm Ảnh nghệ thuật  lần thứ IV của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội. Chỉ vào bức ảnh Pháo hoa Hồ Gươm, Bác bảo: “Ảnh nghệ thuật mà chụp bóng đèn sáng lóa ngay giữa ảnh, như thế này là không nghệ thuật”. Ngắm đi ngắm lại bức ảnh Thiếu nữ Việt Nam khá lâu, Bác nói: “Cô gái Việt Nam mà lại mặc áo cổ thêu diêm dúa như vậy”... dù Bác không nói hết ý, nhưng các nhà nhiếp ảnh đều hiểu rằng “nghệ thuật phải mang đậm đà bản sắc dân tộc”. 

Với bộ môn nghệ thuật thứ bảy, Bác luôn chú ý khích lệ, động viên để mau tiến bộ. Năm 1950, đạo diễn Phạm Văn Khoa vinh dự được đi công tác cùng Bác. Trong khi đi đường, Bác hỏi:

- Chú Khoa làm công tác văn nghệ có thuộc Chinh phụ ngâm không?

Đạo diễn

Khoa trả lời:

- Thưa Bác, cháu thuộc từng đoạn thôi ạ!

Bác liền bảo:

- Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu.

Bác rất mực quan tâm và thông cảm với những khó khăn về vật chất, kỹ thuật khi làm việc của anh chị em điện ảnh. Bác ân cần động viên các nghệ sĩ phải có tinh thần vượt khó, để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy kể: “Tại Hội nghị thành lập Mặt trận Liên Việt (3/1951) được tổ chức tại một khu rừng Việt Bắc. Trong hoàn cảnh kháng chiến, máy móc cũ kỹ, đèn chụp không có, nơi họp lại ở trong nhà giữa rừng rậm, thiếu sáng, nhiệm vụ đặt nặng lên bộ phận điện, nhiếp ảnh, phục vụ hội nghị. Anh em lo lắng. Để có đủ ánh sáng, chỉ còn cách dỡ một phần mái nhà, phía trên chỗ Đoàn Chủ tịch ngồi. Thất bất ngờ, khi anh em xin phép Bác, Bác hiểu ngay và đồng ý cho dỡ hẳn một phần mái nhà”.

Bác đặc biệt chú ý đến văn học. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, bồi hồi kể lại câu chuyện xảy ra năm 1946: “Đến mai tôi sẽ được gặp Cụ Chủ tịch nước - Cụ Hồ mà nhiều anh em rỉ tai tôi bảo là Nguyễn Ái Quốc. Chà chà, tôi sẽ được mắt thấy ông chủ báo Người cùng khổ, tôi sẽ được nghe tác giả cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp mà trước kia  tôi đã được đọc một cách lén lút...”.

Có một họa sĩ người dân tộc, đã dành cả cuộc đời để vẽ Bác Hồ. Đó là họa sĩ Xu Man, cánh chim đầu đàn của nền mỹ thuật Tây Nguyên, người con Bahnar tài hoa của đất Gia Lai, người đã vẽ trên 100 bức tranh về Hồ Chủ tịch. Mặc dầu Bác chưa một lần đặt chân lên Tây Nguyên, nhưng bằng niềm mong ước và tưởng tượng nghệ thuật, Xu Man đã miêu tả nhiều bức rất sinh động về Bác như Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên và Nhân dân Tây Nguyên Với Bác Hồ.

Về sân khấu, nghệ sĩ chèo Song Kim giữ mãi một kỷ niệm khi cùng Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương đi biểu diễn phục vụ Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua (1952). Khi Dịu Hương hát Bài ca may áo, theo làn điệu chèo, Bác thân mật nói: Điệu hát và giọng hát hay, nhưng làm sao cho nội dung bài hát phù hợp với việc phục vụ kháng chiến.

Những lời dạy văn nghệ sĩ của Bác Hồ nhằm nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, mài sắc ý chí chiến đấu cho văn nghệ sĩ, bởi kẻ thù luôn tìm cách tiến công trên mặt trận văn hóa, gieo rắc nọc độc tư tưởng, làm lung lay tinh thần chúng ta trên mặt trận không có tiếng súng này.

Với tư cách là người đặt nền móng cho nền văn nghệ cách mạng, Bác Hồ kính yêu đã có công xây dựng một nền văn nghệ mới, đồng thời có những lời chỉ bảo chân tình, cần thiết cho đội ngũ những người làm công tác văn hóa văn nghệ, đặc biệt là các anh chị em nghệ sĩ. Tư tưởng đó của Người chính là ánh sáng soi đường cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật của nước ta.

Bác Hồ tuy đã đi xa, nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ chúng ta luôn luôn khắc nhớ, đinh ninh lời Bác căn dặn  ngày nào: “Văn hóa văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác. Không thể ở ngoài  mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Bác Hồ với văn nghệ sĩ" tại chuyên mục Văn hóa. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com