Trung Nam Group – "Ông chủ" của những dự án dở dang

14/01/2021 15:58

Nhiều khả năng, những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và hạ tầng là nguyên nhân khiến Trung Nam Group chuyển hướng trọng tâm sang mảng năng lượng tái tạo. Để có nguồn lực, Trung Nam Group và các công ty liên quan đã hút hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu trong hơn 1 năm trở lại đây.

Một doanh nghiệp đa ngành

Với quy mô lên đến 190,48 ha, tổng vốn đầu tư 2.579 tỷ đồng, hiển nhiên dự án Khu du lịch Bình Tiên (toạ lạc tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) nhận được nhiều kỳ vọng từ lãnh đạo, cũng như người dân tỉnh Ninh Thuận.

Kỳ vọng là vậy, nhưng sau 16 năm xây dựng và trải qua 5 đời Chủ tịch tỉnh, dự án này vẫn chưa thể hoàn thành. Đáng chú ý, Khu du lịch Bình Tiên thậm chí đã được gia hạn tới 4 lần và từng bị đánh tiếng thu hồi.

Trong một diễn biến có phần bất ngờ, dự án đã bắt đầu rục rịch khởi công trong vòng nửa đầu năm 2020 trở lại đây. Điều này khiến giới đầu tư không khỏi có những tin đồn về việc dự án đã đổi chủ.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên – doanh nghiệp thực hiện dự án, được thành lập từ ngày 17/11/2005. Các cổ đông sáng lập tính đến tháng 1/2017 gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (10%); CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Mefrimex (Mefrimex) – 20%; ông Dương Văn Nguyên (43%) và ông Nguyễn Nam Linh (27%). Trong đó, ông Dương Văn Nguyên (SN 1947) đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật công ty.

Đến tháng 4/2019, ông Dương Văn Nguyên nhường lại vị trí CEO cho ông Vũ Đức Toàn (SN 1982). 2 tháng sau, cụ thể là tháng 6/2019, công ty có tân CEO là ông Trần Đức Xuyên (SN 1969) – nhân sự chủ chốt thuộc Trung Nam Group. Cho đến tháng 10/2019, ông Nguyễn Tâm Thịnh – Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group – cũng chính thức lộ diện trên cương vị lãnh đạo cao nhất tại Bình Tiên.

1-trung-nam-1610614177.jpg

Dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills của Trung Nam Group. 

Sự hiện diện của Trung Nam Group ngày càng rõ nét hơn khi các cổ đông sáng lập Bình Tiên vào tháng 4/2020 đều đồng loạt thoái hết vốn (trừ ông Nguyễn Nam Linh nắm 4,057% vốn). Trong khi đó, một dữ liệu cho thấy bản thân CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam – pháp nhân lõi của Trung Nam Group, tính đến ngày 5/11/2020 đang nắm giữ 163.161 cổ phần (mệnh giá 1 triệu đồng/cổ phần) Bình Tiên, tức khoảng 95,9% vốn.

Tập đoàn với nhiều dự án dang dở

Trung Nam Group không phải cái tên quá xa lạ với đông đảo dư luận. Theo tìm hiểu, hạt nhân trong hệ sinh thái tập đoàn là CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam). Công ty được thành lập từ năm 2004, đăng ký địa chỉ trụ sở tại số 7A/68 Thành Thái, Phường 14, quận 10, TP.HCM.

Vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện pháp luật của Trung Nam do ông Nguyễn Tâm Thịnh (sinh năm 1973) đảm nhiệm. Theo dữ liệu, tại thời điểm tháng 12/2014, ông Thịnh sở hữu 131 triệu cổ phiếu công ty, tương đương tỷ lệ khoảng 69% vốn doanh nghiệp.

Nhiều khả năng các con số nói trên sẽ ít nhiều thay đổi. Bởi, giai đoạn từ tháng 10/2015 đến tháng 12/2020 ghi nhận, Trung Nam nhiều lần gia tăng quy mô vốn điều lệ, từ mức 1.490 tỷ đồng lên mức 7.000 tỷ đồng.

Trung Nam Group được biết đến là doanh nghiệp xuất phát điểm hoạt động trong mảng xây dựng, hạ tầng. Dù vậy, bất động sản mới là lĩnh vực thuở đầu làm nên tên tuổi công ty.

Theo tìm hiểu, Trung Nam bén duyên với mảng bất động sản vào năm 2008 với dự án đầu tiên là xây dựng tòa nhà Trung Nam tại số 7A/68 Thành Thái, phường 14, quận 10, TP.HCM, dự án đã đi vào hoạt động vào ngày 20/3/2010. Sau đó, doanh nghiệp nổi lên với 3 siêu dự án lớn đó là khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt có vốn đầu tư 150 triệu USD tại Đà Lạt, và 2 dự án ở Đà Nẵng là dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 4.447 tỷ đồng và dự án Tháp đôi Viễn Đông Meridian vốn đầu tư 2.880 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Trung Nam dường như không có duyên với lĩnh vực này khi những dự án hoành tráng một thời đã trở thành tai tiếng.

Một trong những cái tên tiêu biểu là dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills do CTCP Trung Nam – công ty con của Trung Nam, làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu, dự án có quy mô 381 ha, được khởi công xây dựng từ năm 2011. Dự án được giới địa ốc đánh giá cao khi nằm trong khu vực có vị trí “vàng” ngay tại cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng, trên tuyến đường huyết mạch Nguyễn Tất Thành kéo dài, quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.

Ban đầu, Trung Nam giới thiệu dự án có quy mô đầu tư lên đến 1,67 tỷ USD (tương đương 38.000 tỷ đồng). Sau đó, Tập đoàn này đã chỉnh sửa thông tin trên.

Dự án Golden Hills được báo giới trong nước ghi nhận, sau khi xây dựng xong phần thô và đi vào hoàn thiện thì những hạng mục còn lại của dự án lại đình trệ suốt nhiều năm. Điều này khiến cho dự án Golden Hills City liên tục lỗi hẹn về tiến độ.

Trong một động thái đáng chú ý, CTCP Đầu tư Trung Nam vào ngày 5/7/2017 đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội tại dự án Golden Hills City và Công trình văn phòng và Trung tâm thương mại DITP.

Đến ngày 28/2/2019, Thịnh Phát Hà Nội đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ để hợp tác phát triển 2 dự án trên với CTCP Kita Land - thành viên của tập đoàn Kita Group và CTCP Bất động sản Thế kỷ (CenLand) độc quyền phân phối.

Dẫu vậy, dự án Golden Hills City của CTCP Trung Nam vẫn liên tục dính nhiều lùm xùm. Cụ thể, vào tháng 7/2019, UBND quận Liên Chiểu đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với CTCP Trung Nam vì hành vi xây dựng dự án Golden Hills City (Khu D2) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng rà soát, kiểm tra cụ thể 800 lô đất tại khu vực có diện tích 12,77 ha ở khu B và C thuộc dự án Golden Hills City của Trung Nam Group. Ngay tháng 6/2020 vừa qua, CTCP Trung Nam tiếp tục bị lực lượng chức năng của huyện Hòa Vang tiến hành lập biên bản xử phạt 70 triệu đồng về hành vi xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu E và các nhà mẫu liền kề tại khu B2-16 nhưng không có Giấy phép theo quy định, không gửi lên cơ quan chức năng về việc thẩm định thiết kế xây dựng vào tháng 11/2019.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến một dự án dở dang khác của Trung Nam Group là và dự án Tháp đôi Viễn Đông Meridian - Tòa tháp đôi cao nhất Miền Trung tại Đà Nẵng.

Năm 2008, Trung Nam Group cùng CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và một số cổ đông khác đã công bố dự án này với kỳ vọng xây dựng theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ, đạt tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin mang tầm cỡ quốc tế. Theo thiết kế, hai tòa tháp nằm trên khu đất rộng 10.773m2 với tổng diện tích sàn xây dựng 12.000m2, bao gồm các văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, công trình giải trí, thể thao, hầm để xe... và dự kiến đưa vào sử dụng khoảng năm 2010.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, còn Trung Nam Group đã chuyển toàn bộ cổ phần của mình tại dự án này cho đối tác khác. Trong khi đó, phía UBND thành phố Đà Nẵng đang muốn thu hồi đất của siêu dự án để xây dựng khu vườn dạo.

2-trung-nam-1610614248.jpg

Dự án giải quyết ngập 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư. Ảnh: Nhà Đầu Tư.

Ngoài bất động sản, Trung Nam Group cũng tạo dấu ấn trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng, mà một trong các dự án tiêu biểu nhất là Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp hơn 6.000 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Tiêu biểu nhất, là dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Theo đó, dự án được khởi công vào hồi tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành tháng 4/2018.

Một chi tiết khá thú vị, thời điểm này (tức tháng 12/2016), đơn vị cấp tín dụng cho dự án là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Nhưng vào đầu năm 2018, với lý do UBND TP.HCM chậm xác nhận báo cáo cho vay, BIDV đã dừng giải ngân. Phải mãi đến năm 2020, dự án mới được thi công trở lại. Việc dự án tiếp tục được thi công nhiều khả năng nhờ vào nguồn cấp tín dụng đã đổi chủ từ BIDV sang Ngân hàng TMCP Sài Gòn – chi nhánh Bến Thành.

Dẫu vậy, cho đến tháng 11/2020, tiến độ dự án mới đạt 93% và vẫn phải tạm ngưng do nhiều vướng mắc và chưa hẹn ngày hoàn thành.

Gặp khó trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và hạ tầng, Trung Nam Group vẫn còn mảng lớn khác là lĩnh vực năng lượng. Có thể thấy, trong 25 công ty con, công ty liên quan và liên kết của Trung Nam, thì có đến 10 công ty hoạt động trong lĩnh vực thủy điện, năng lượng tái tạo.

Thực tế, trong những năm đầu hoạt động, Trung Nam đã tạo dấu ấn với nhiều dự án Thủy Điện ở khu vực Tây Nguyên, như: Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 (Lâm Đồng) với công suất 70 MW; Nhà máy thủy điện Krông Nô 2 (Đắk Lăk) với công suất 30 MW; và Nhà máy thủy điện Krông Nô 2 (Đắk Lăk) với công suất 18 MW.

Sự thành công với 3 dự án thủy điện trên là tiền đề để Trung Nam chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Theo đó, Trung Nam vào năm 2016 đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy điện gió Trung Nam (tỉnh Ninh Thuận) với quy mô tông công suất là 151,95 MW.

Không những vậy, Trung Nam còn sở hữu Trạm biến áp và đường dây 220/500KV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW (Bình Thuận); Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (Ninh Thuận) công suất 204 MWac; hay dự án điện mặt trời Trung Nam – Trà Vinh (Trà Vinh) công suất 140 MWac.

Thực hiện nhiều dự án năng lượng, song đến nay mới chỉ một phần nhỏ các dự án được đưa vào hoạt động, còn lại vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng.

Hậu thuẫn cho tham vọng năng lượng của Trung Nam, không thể không nhắc đến dòng tín dụng hàng chục nghìn tỷ huy động từ kênh trái phiếu.

Tính toán cho thấy, nhóm công ty liên quan tới Trung Nam Group từ giữa năm 2019 đến nay đã hút thành công gần 17.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất dao động từ 10 đến 10,5%/năm.

Bên thu xếp cho các đợt phát hành trái phiếu của nhóm Trung Nam Group là MBB và MBS. Điều này khiến giới đầu tư không khỏi đồn đoán về khả năng MBB là trái chủ các lô trái phiếu kể trên.

Tất nhiên đó chỉ là phỏng đoán. MBS và ngân hàng mẹ MBB có thể chỉ đóng vai trò phân phối cho lô trái phiếu “khủng” của nhóm Trung Nam. Tuy nhiên nếu MBB đứng ra với vai trò trái chủ thì đây cũng không phải diễn biến bất ngờ, bởi nhà băng này đã là đối tác tín dụng quen thuộc, đồng hành cùng Trung Nam suốt nhiều năm qua.

Đơn cử, Trung Nam từng thế chấp tại MBB một số tài sản đáng chú ý như: 1 triệu cổ phần của CTCP Trung Nam (tháng 1/2019); 101,3 triệu cổ phần CTCP Điện mặt trời trung Nam Trà Vinh (tháng 1/2020); và 100% phần vốn góp vào Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (tháng 12/2020).

Một pháp nhân đáng chú ý của Trung Nam là Trung Nam Group cũng là đối tác tín dụng lâu năm của MBB.

Theo đó, dự án Golden Hills (phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) và Vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài – Khu vực tiếp giáp về phía Tây Bắc đường Nguyễn Lương Bằng đến cầu Nam Ô là những tài sản đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu đang đề cập, cũng đã được cầm cố tại MBB chi nhánh Sở giao dịch 2 vào tháng giữa năm 2018.

Ngoài ra, CTCP Trung Nam cũng trong khoảng thời gian này đã thế chấp MBB chi nhánh Sở giao dịch 2 phần vốn góp hình thành từ hợp đồng hợp tác đầu tư giữa CTCP Trung Nam và CTCP Điện mặt trời Trung Nam về việc hợp tác đầu tư, xây dựng và kinh doanh Dự Án Nhà Máy Điện Mặt Trời Trung Nam. Đây cũng là tài sản bảo đảm thuộc lô trái phiếu được đề cập.

Vào tháng 10/2018, Công ty tiếp tục thế chấp Công trình văn phòng và Trung tâm thương mại DITP thuộc dự án Vệt 50m tại MBB chi nhánh Nam Đà Nẵng.

Lam Nguyễn (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Trung Nam Group – "Ông chủ" của những dự án dở dang" tại chuyên mục Đẹp 365. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com