Sức ép chi phí đầu vào, doanh nghiệp chăn nuôi càng làm càng lỗ

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là một trong những yếu tố khiến kết quả kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi trở nên ảm đạm.

Ghi nhận của PV, mức nền cao của giá heo trong quý II/2022 cùng với đà tăng nóng của chi phí đầu vào đã khiến cho nhiều doanh nghiệp chăn nuôi gặp khó trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Qua đó, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận Dabaco trượt dốc quý thứ hai liên tiếp

Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC, sau đây gọi tắt là Dabaco) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 ghi nhận 2.966 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, giá vốn hàng bán tăng tới 26% kéo biên lợi nhuận gộp của Dabaco giảm từ 18% xuống còn 9% trong kỳ này.

Các chi phí thay đổi không đáng kể cho nên lợi nhuận sau thuế của Dabaco giảm tới 93%, chỉ còn hơn 14 tỷ đồng. Sau thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2020 - 2021 thì đây là quý thứ hai Dabaco ghi nhận lợi nhuận trượt dốc. Mức lợi nhuận của hai quý đầu năm nay đã trở về ngang ngửa với con số lợi nhuận quý của năm 2019.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Dabaco ghi nhận 5.722 tỷ đồng doanh thu thuần, gần 23 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng gần 14% về doanh thu nhưng giảm 96% về lợi nhuận so với nửa đầu năm ngoái.

Trong đó, doanh thu bán các thành phẩm sản xuất chiếm tới 93%, khoảng 4,7% là doanh thu thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, còn lại đến từ mảng bất động sản.

Cũng như các doanh nghiệp trong ngành, công ty này phải đối mặt với các khó khăn do chi phí sản xuất, giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi thời điểm đầu quý II/2022 không tăng đáng kể.

Từ đầu năm 2022, Dabaco đặt mục tiêu tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 918 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, tập đoàn này mới đạt 26,4% chỉ tiêu doanh thu và khoảng 2,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Kinh tế vĩ mô - Sức ép chi phí đầu vào, doanh nghiệp chăn nuôi càng làm càng lỗ

Chi phí thức ăn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi.

Masan MeatLife ghi nhận quý lỗ đầu tiên kể từ khi lên sàn

Công ty CP Masan MeatLife (Mã: MML, gọi tắt là Masan MeatLife) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với doanh thu và lợi nhuận giảm sút mạnh so với cùng kỳ. Không còn mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần quý II giảm tới 82%, chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng. Lãi gộp tương ứng giảm đến 80% còn 55 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận giảm, Masan MeatLife vẫn báo lỗ 211 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 công ty lãi sau thuế 142 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu thuần đạt 1.941 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 33,3 tỷ đồng, giảm sâu đến 88% so với số lãi 288 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.

Kết quả kém khả quan của Masan MeatLife được lý giải do đã bán đi mảng thức ăn chăn nuôi, mảng chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu doanh số và lợi nhuận của công ty nhưng không còn duy trì hoạt động bán hàng kể từ cuối năm 2021. Do vậy, công ty con của Masan hiện chỉ hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thịt các loại.

Lợi nhuận Vissan đi lùi bất chấp giá heo tăng

Theo báo cáo tài chính quý II/2022, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - Mã: VSN) có doanh thu thuần đạt 911 tỷ đồng, giảm 3,5% so với quý trước và giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng, giảm 16% so với quý I/2022 và giảm 22% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vissan đạt 1.856 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 83 tỷ đồng, giảm 11%; lợi nhuận sau thuế đạt 66,5 tỷ đồng, giảm 13%.

Với kết quả này, Vissan mới thực hiện được 37% kế hoạch doanh thu năm 2022 và 48% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Lý giải việc giá heo tăng, kết quả kinh doanh đi lùi, trong báo cáo giải trình với cổ đông, Vissan cho rằng, mặc dù dịch Covid-19 đã lắng xuống nhưng nhu cầu tiêu thụ của người dân vẫn còn yếu.

Từ đầu tháng 7/2022, giá heo đã tăng tới 35-40% nhưng giá thịt bán ra mới nhích lên khoảng 10%. Trong khi đó, 90% nguồn heo đầu vào Vissan phải nhập của các công ty liên kết. Doanh nghiệp chỉ chủ động 10% nguyên liệu tươi và chế biến.

Giá đầu vào liên tục tăng trong khi giá thịt và sản phẩm chế biến bán ra không theo kịp ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận doanh nghiệp. Cụ thể, biên lợi nhuận của Vissan đã có 2 quý giảm liên tiếp, từ mức 25,9% vào quý IV/2021 xuống 24,8% vào quý I/2022 và 23,6% vào quý II/2022.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2022, tổng số heo ước tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo cơ quan này, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên người chăn nuôi không mở rộng quy mô, tổng số gia cầm của cả nước tính đến cuối tháng 7 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm2021. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022.

Giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao trên toàn cầu do khủng hoảng thị trường ngũ cốc, nguồn cung cấp ngũ cốc không ổn định, chi phí vận chuyển tăng cao... gây khó khăn cho các trang trại nuôi heo.

Còn báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 7/2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 460,8 triệu USD giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm gần 56,7% so với cùng kì năm 2021.

Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 5,7 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt hơn 3 tỷ USD, mức tương đương so với cùng kỳ năm 2021.

Âu Dương

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/suc-ep-chi-phi-dau-vao-doanh-nghiep-chan-nuoi-cang-lam-cang-lo-a12502.html