Giỗ tổ lặng lẽ của sân khấu

20/09/2021 12:55

Ngày 12-8 âm lịch hằng năm lâu nay được xem là ngày giỗ tổ ngành sân khấu. Ngày này cũng đã được nhà nước công nhận là Ngày sân khấu Việt Nam.

Giỗ tổ lặng lẽ của sân khấu - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Ái Như thực hiện nghi thức xịt chút nước hoa lên người nghệ sĩ Ngọc Tưởng trước bàn thờ tổ và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp trong mùa giỗ tổ tại sân khấu Hoàng Thái Thanh năm 2020 - Ảnh: LINH ĐOAN

Không chỉ ở lĩnh vực sân khấu cải lương, kịch nói mà cả sân khấu ca nhạc, phim trường, các công ty sản xuất chương trình... ngày giỗ tổ được tổ chức rất long trọng.

Mùa giỗ tổ buồn

Thường ngày cúng chính của giỗ là 12-8 âm lịch nhưng tùy theo tình hình, các nghệ sĩ có thể cúng rải ra 3 ngày 11, 12 và 13-8 âm lịch. Cũng có nghệ sĩ cẩn thận cúng cả 3 ngày. Rất nhiều nghệ sĩ có bàn thờ riêng cho tổ tại nhà. 

Họ vừa cúng tổ tại gia, sau đó sẽ chạy đến hết các nhà hát, sân khấu mình thường xuyên biểu diễn để thắp nhang tổ. Không chỉ thực hiện nghi lễ cúng tổ, các nhà hát, sân khấu còn mở tiệc như là dịp các nghệ sĩ cùng gặp gỡ trò chuyện sau những ngày chạy sô miệt mài.

Trong tình hình bất khả kháng năm nay, không ít các nghệ sĩ đăng lại hình giỗ tổ năm ngoái với nỗi ngậm ngùi. Không chỉ là nỗi buồn vì không thể bày tỏ tấm lòng với tổ ở tại nơi mình được khóc cười với nhân vật, mà còn là nỗi trăn trở, nhớ nghề và lo cho sân khấu sẽ trụ như thế nào trong thời gian khó khăn sắp tới.

Lặng lẽ làm việc ý nghĩa để hướng về tổ nghiệp

Nghệ sĩ Ái Như của sân khấu Hoàng Thái Thanh cho biết chị không dám nhờ người mua đồ cúng, thắp nhang tại sân khấu trong ngày giỗ tổ vì "người ngoài không biết cung cách như thế nào nên mình đâu dám nhờ. Thì thôi, tôi, anh Thành Hội và các diễn viên tự chuẩn bị và thể hiện tấm lòng của mình với tổ tại gia vậy" - Ái Như chia sẻ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF nói rằng việc mua nhang, bông, trái cây giờ cũng khó nên ai không cúng cũng không sao. "Tổ ở trong tâm mình, quan trọng mình ứng xử với đời, với nghề sao cho phải đạo là được" - ông Tuấn nói.

Nghệ sĩ Hữu Châu bày tỏ: "Tổ không bao giờ chấp giận gì đâu. Tổ hiểu và thương mà. Tổ thấy được tấm lòng của chúng ta và thấu rõ được hoàn cảnh lúc này". Và anh nhắn nhủ đến các nghệ sĩ trẻ: "Đâu cần khánh tổ hay bàn thờ tổ to lớn thì mới cúng được. Chỉ cần một nơi sạch sẽ, đặt cái bàn nhỏ với tấm lòng trang nghiêm tin cẩn, biết ơn thật tình...".

Mùa giỗ tổ năm nay, nghệ sĩ Hữu Quốc khởi xướng thực hiện MV liên khúc Sài Gòn ngày vui trở lại với sự tham gia của trên 30 nghệ sĩ trong nước và hải ngoại tham gia. Bên cạnh đó, anh cũng vận động được trên 200 triệu đồng để trao tặng các nghệ sĩ khó khăn trong mùa dịch. 

"Chút quà nhỏ cho nghệ sĩ khó khăn trong những ngày dịch giã được trao trong thời điểm này là tấm lòng nghệ sĩ đối với nhau, một chút ấm áp trong ngày giỗ tổ lặng lẽ!" - Hữu Quốc cho biết.

Theo: TTO

Bạn đang đọc bài viết "Giỗ tổ lặng lẽ của sân khấu" tại chuyên mục Văn hóa - Giải trí. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com